Waters of Life

Biblical Studies in Multiple Languages

Search in "Vietnamese":
Home -- Vietnamese -- John - 026 (The Baptist testifies to Jesus)
This page in: -- Albanian -- Arabic -- Armenian -- Bengali -- Burmese -- Cebuano -- Chinese -- Dioula -- English -- Farsi? -- French -- Georgian -- Greek -- Hausa -- Hindi -- Igbo -- Indonesian -- Javanese -- Kiswahili -- Kyrgyz -- Malayalam -- Peul -- Portuguese -- Russian -- Serbian -- Somali -- Spanish -- Tamil -- Telugu -- Thai -- Turkish -- Twi -- Urdu -- Uyghur? -- Uzbek -- VIETNAMESE -- Yiddish -- Yoruba

Previous Lesson -- Next Lesson

GIĂNG - SỰ SÁNG SOI TRONG TỐI TĂM
Nghiên Cứu Tin Lành của Đấng Christ theo Giăng
PHẦN 1 - SỰ TỎA SOI ÁNH SÁNG THÁNH (GIĂNG 1:1 - 4:54)
C - ĐẤNG CHRIST THĂM GIÊ-RU-SA-LEM LẦN ĐẦU TIÊN (GIĂNG 2:13 - 4:54) -- THẾ NÀO LÀ SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

3. Giăng Báp-tít làm chứng về Chúa Giê-xu là Chàng rể (Giăng 3:22-36)


GIĂNG 3:22-30
22 Kế đó, Đức Chúa Jêsus đi với môn đồ đến đất Giu-đê; Ngài ở với môn đồ tại đó, và làm phép báp-têm. 23 Giăng cũng làm phép báp-têm tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến đặng chịu phép báp-têm. 24 Bấy giờ Giăng chưa bị bỏ vào ngục. 25 Vả, môn đồ của Giăng có cãi lẫy với một người Giu-đa về lễ tinh sạch. 26 Họ đến cùng Giăng và nói rằng: Thưa thầy, kìa, người ở cùng thầy bên kia sông Giô-đanh, mà thầy đã làm chứng cho, bây giờ đương làm phép báp-têm, và ai nấy đều đến cùng người. 27 Giăng trả lời rằng: Ví chẳng từ trên trời ban cho, thì không một người nào có thể lãnh chi được. 28 Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng ta đã nói: Ấy không phải ta là Đấng Christ, nhưng ta đã được sai đến trước Ngài. 29 Ai mới cưới vợ, nấy là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng gần và nghe người, khi nghe tiếng của chàng rể thì rất đỗi vui mừng; ấy là sự vui mừng trọn vẹn của ta đó. 30 Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống.

Sau lễ Vượt Qua, Chúa Giê-xu rời Giê-ru-sa-lem và bắt đầu làm phép báp-têm, các môn đồ biết nhu cầu về sự tan vỡ tấm lòng trước khi sanh lại, và nếu không xưng tội thì sự cứu rỗi sẽ vô hiệu. Phép báp-têm để được tha thứ tội lỗi biểu trưng cho sự tan vỡ tấm lòng, để những người ngoan đạo thể hiện lòng mong mỏi bước vào Giao Ước Mới với Đức Chúa Trời.

Giăng Báp-tít đã thay đổi nơi thi hành chức vụ, chuyển đến Ê-nôn, về rìa phía Bắc thung lũng Giô-đanh. Người ta đến với Giăng và trải lòng ra với ông; nên ông báp-têm cho họ, sửa soạn họ để gặp Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu không quay về Ga-li-lê ngay sau lễ Vượt Qua, mà bắt đầu làm phép báp-têm cho những người ăn năn ở một nơi khác trong vùng. Với thẩm quyền lớn hơn, nhiều người đến với Ngài hơn với Giăng. Do đó có sự tranh cãi giữa hai phe. Vấn đề là: Trong hai nhà lãnh đạo ai là người giỏi hơn trong việc thanh tẩy khỏi tội lỗi? Ai trong số họ gần gũi Đức Chúa Trời hơn? Đây là một câu hỏi quan trọng, vì họ muốn được thanh tẩy đời sống cách hoàn toàn. Hỡi anh em, anh em đã xem xét thể nào trọn cả tính cách mình được thánh hóa chưa? Anh em có đấu tranh để bản thân được hoàn toàn thanh tẩy, hay cứ kéo lê tội lỗi theo mình mãi?

Giăng Báp-tít đã kháng cự một sự cám dỗ lớn. Ông không hề đố kỵ với thành công vượt bậc của Chúa Giê-xu, nhưng nhận biết chức vụ của mình còn nhiều hạn chế. Ông hạ mình thừa nhận: “Người bình thường không thể nào đảm nhận một trách nhiệm lớn như vậy. Chỉ khi nào Đức Chúa Trời ban cho năng quyền, ơn phước, và kết quả, thì mới có thể làm được.” Chúng ta, ngược lại, khoe khoang về chính mình, về những hiểu biết thuộc linh, đời sống cầu nguyện, và những lời nói hoa mỹ. Nếu chúng ta có nhận được ân tứ thuộc linh nào, thì đó cũng là bởi Đức Chúa Trời. Quý vị vẫn là một nô lệ, không xứng đáng dù cho có làm được hết mọi điều Đức Chúa Trời yêu cầu. Giăng Báp-tít đã giữ sự khiêm nhường, ông không tuyên bố những khả năng vượt quá sức mình, nhưng dâng vinh hiển lên chỉ một mình Đức Chúa Trời mà thôi.

Một lần nữa Giăng làm chứng với các môn đồ mình rằng ông không phải là Đấng Mê-si-a. Có thể ông cũng trông mong Đấng Christ sẽ vào thành Giê-ru-sa-lem cách đắc thắng, nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó Chúa Giê-xu lại bắt đầu làm phép báp-têm giống như Giăng. Cho nên Giăng Báp-tít rất bối rối, dầu vậy ông vẫn vâng lời và hạ mình. Ông trung thành với trách nhiệm Đức Chúa Trời chỉ định, làm một người đi trước, dọn đường cho Đấng Christ.

Giăng vẫn trung tín với sự mặc khải ông đã được ban cho. Ông làm chứng rằng Chúa Giê-xu là Chàng Rể, Đấng xem những người ăn năn như nàng dâu mình. Ngày nay Thánh Linh tạo nên sự hiệp một thuộc linh, nên Phao-lô có thể nói: “Chúng ta là những chi thể trong thân thể Đấng Christ, Ngài là Đầu; chúng ta là một với Ngài.” Đấng Christ không còn là quan án nữa, mà là Đấng Cứu Thế, là Chàng Rể của chúng ta. Hình ảnh đầy vui mừng về một tiệc cưới bày tỏ về hy vọng của chúng ta trong Đấng Christ.

Giăng Báp-tít đứng đằng xa, vui mừng về sự tăng trưởng của các tín hữu. Nhưng ông đứng bên cạnh Chúa Giê-xu, chứ không phải giữa đám đông. Ông tỏ ra mình là một người bạn trung thành. Trong khi ông còn sống tách biệt trong đồng vắng, Chúa Giê-xu đã trực tiếp vào đến thủ đô và thi hành nhiều dấu lạ, giảng nhiều bài giảng. Giăng Báp-tít quan sát sự phát triển của Vương Quốc và vui mừng. Tiếng nói và tiếng tăm của Chàng Rể khiến ông vui lòng. Tin tức về những thành công của Đấng Christ giống như âm nhạc thiên đàng đối với ông. Như vậy sự dịu dàng của Đấng Christ đã làm mềm mại con người Giăng Báp-tít thô lỗ trong suốt những ngày cuối cùng trong chức vụ của ông; ông đã vui mừng như người được dự phần trong tiệc cưới.

Giăng sẵn lòng chết, không lo lắng tìm cách mở rộng vòng môn đồ của mình. Ông thà bị mất mát và tan biến để tín hữu được lớn lên.

Thưa quý độc giả, ai là người chủ trì các buổi họp của quý vị? Mỗi người có tranh cạnh với nhau để giành quyền lãnh đạo không? Hay nhường đường cho người khác, và thà chịu thấp kém để Đấng Christ được tôn cao trong quý vị? Hãy hòa lòng với Giăng rằng: “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống.”

CÂU HỎI:

  1. Đấng Christ là Chàng Rể theo ý nghĩa nào?

www.Waters-of-Life.net

Page last modified on October 12, 2018, at 11:42 AM | powered by PmWiki (pmwiki-2.3.3)