Waters of Life

Biblical Studies in Multiple Languages

Search in "Vietnamese":
Home -- Vietnamese -- John - 011 (The Sanhedrin questions the Baptist)
This page in: -- Albanian -- Arabic -- Armenian -- Bengali -- Burmese -- Cebuano -- Chinese -- Dioula -- English -- Farsi? -- French -- Georgian -- Greek -- Hausa -- Hindi -- Igbo -- Indonesian -- Javanese -- Kiswahili -- Kyrgyz -- Malayalam -- Peul -- Portuguese -- Russian -- Serbian -- Somali -- Spanish -- Tamil -- Telugu -- Thai -- Turkish -- Twi -- Urdu -- Uyghur -- Uzbek -- VIETNAMESE -- Yiddish -- Yoruba

Previous Lesson -- Next Lesson

GIĂNG - SỰ SÁNG SOI TRONG TỐI TĂM
Nghiên Cứu Tin Lành của Đấng Christ theo Giăng
PHẦN I - SỰ TỎA SOI ÁNH SÁNG THÁNH (GIĂNG 1:1 – 4:54)
B - ĐẤNG CHRIST DẪN DẮT CÁC MÔN ĐỒ TỪ LÒNG ĂN NĂN ĐẾN SỰ VUI MỪNG CỦA TIỆC CƯỚI (GIĂNG 1:19 - 2:12)

1. Phái đoàn từ Tòa Công luận chất vấn Giăng Báp-tít (Giăng 1:19-28)


GIĂNG 1:19-21
19 Nầy là lời chứng của Giăng, khi dân Giu-đa sai mấy thầy tế lễ, mấy người Lê-vi từ thành Giê-ru-sa-lem đến hỏi người rằng: Ông là ai? 20 Người xưng ra, chẳng chối chi hết, xưng rằng mình không phải là Đấng Christ. 21 Họ lại hỏi: Vậy thì ông là ai? Phải là Ê-li chăng? Người trả lời: Không phải. Ông phải là đấng tiên tri chăng? Người trả lời: Không phải.

Một cuộc phục hưng diễn ra tại thung lũng Giô-đanh, xoay quanh Giăng Báp-tít. Hàng ngàn người không hề nao núng trước những con đường gồ ghề dẫn từ những vùng núi cao xuống những hẻm núi sâu nóng như thiêu đốt. Họ đến gặp Giăng Báp-tít để nghe tiếng của vị tiên tri mới này, và chịu ông làm báp-têm hầu được tha thứ tội lỗi. Đám đông không ngu dốt, như những kẻ ngạo mạn thường nghĩ, mà khao khát và mong chờ sự hướng dẫn thiên thượng. Họ nhanh chóng nhận ra ai là người có năng lực và thẩm quyền. Họ không muốn nghe về các lễ nghi và luật lệ, nhưng khao khát gặp gỡ Đức Chúa Trời. Các thành viên của Tòa Công Luận, tòa án tôn giáo cao nhất của người Do Thái, được tin về cuộc phục hưng này. Họ sai một phái đoàn gồm các thầy tế lễ và mấy thầy trợ tế hung hăng, là những kẻ có nhiệm vụ giết các con sinh tế. Họ chất vấn Giăng Báp-tít, hầu cho nếu ông có ý phạm thượng thì sẽ loại trừ ông ngay.

Cho nên cuộc gặp gỡ lần này giữa Giăng Báp-tít và phái đoàn từ Tòa Công Luận là rất nghiêm túc và nguy hiểm. Sứ đồ Giăng gọi những người đến từ Giê-ru-sa-lem này là người Giu-đa. Bằng danh xưng này ông đã tiết lộ một trong những chủ đề trong Tin Lành của mình. Vào thời điểm đó hệ tư tưởng Giu-đa thực chất là lối giải thích Luật pháp cứng nhắc theo nghĩa đen, đầy cuồng tín và đố kỵ, chính vì đó Giê-ru-sa-lem đã trở thành trung tâm chống đối Thánh Linh của Đấng Christ. Không phải toàn bộ mọi người trong Cựu Ước mà chỉ có một nhóm thầy tế lễ, nhất là người Pha-ri-si, là kẻ thù luôn cảnh giác của mọi hướng phát triển tôn giáo đi lệch khỏi kế hoạch và sự kiểm soát của họ. Chính vì vậy họ đã quyết định bẫy Giăng Báp-tít bằng những lời chất vấn.

“Ông là ai?” là câu hỏi đầu tiên họ đặt ra cho Giăng, lúc đó đang bị vây quanh bởi một đám đông ăn năn, đang lắng nghe ông chăm chú. “Ai cho phép ông giảng dạy? Ông đã nghiên cứu Luật pháp và Thần học chưa? Đức Chúa Trời có sai phái ông, hay ông có xem mình là Đấng Mê-si-a không?” Giăng Báp-tít nhìn thấy sự gian xảo đằng sau những câu hỏi này và ông không hề nói dối. Nếu ông nói: “Ta là Đấng Mê-si-a”, họ sẽ kết tội ông và ông sẽ bị ném đá; còn nếu ông nói: “Ta không phải là Đấng Mê-si-a,” mọi người sẽ rời bỏ ông, và không còn xem ông là quan trọng nữa. Con cháu Áp-ra-ham vào thời đó đang phải chịu nỗi hổ nhục bị làm thuộc địa của người La-mã. Họ mong mỏi một Đấng Cứu Thế sẽ giải cứu họ khỏi ách của người La-mã.

Giăng Báp-tít xưng nhận cách công khai rằng ông không phải Đấng Christ hay con của Đức Chúa Trời. Ông không nhận danh hiệu đi ngược lại sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Ông chọn vâng phục và trung thành với sự kêu gọi của mình, tin rằng sẽ đến lúc Đức Chúa Trời xác nhận sứ điệp của mình.

Sau nhát dao thứ nhất phái đoàn tiếp tục hỏi: “Ông có phải là Ê-li không?” Danh xưng này ngụ ý đến lời hứa trong Ma-la-chi 4:5, là phân đoạn Kinh Thánh chép rằng trước khi Đấng Mê-si-a đến, một tiên tri sẽ xuất hiện với tinh thần và quyền năng của đấng tiên tri trứ danh Ê-li, người từng gọi lửa từ trời xuống trên kẻ thù nghịch mình, và gọi người chết sống lại trong sự cho phép của Đức Chúa Trời. Mọi người đều xem vị anh hùng xuất chúng này là lãnh đạo của đất nước họ. Nhưng Giăng đã khiêm nhường, dù ông thật là vị tiên tri đã hứa đó, như Đấng Christ về sau đã làm chứng về ông. (Ma-thi-ơ 11:14).

Rồi các thầy tế lễ hỏi ông có phải là vị tiên tri đã được Môi-se nói đến trong Cựu Ước, là người sẽ ban một giao ước mới và lớn không (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15). Đằng sau câu hỏi này là ý định muốn biết ai đã sai phái ông rao truyền như một tiên tri. Vì vậy họ cứ khăng khăng hỏi ông là ai, có thẩm quyền gì, và rao giảng bởi sự mặc khải hay tự ý.

Giăng Báp-tít từ chối nhận mình trong vai trò và địa vị của Môi-se. Ông không muốn thiết lập một giao ước mới với Đức Chúa Trời khi không được ủy thác. Ông cũng không muốn lãnh đạo dân sự đến một chiến thắng quân sự. Ông vẫn trung tín giữa cám dỗ, không trở nên tự phụ hay kiêu ngạo. Đồng thời ông cũng khôn ngoan và không đáp lại kẻ thù nghịch mình nhiều hơn những gì cần nói. Áp dụng cùng những nguyên tắc này cho đời sống chúng ta là rất quan trọng.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-xu, chúng con cảm ơn Ngài đã sai phái Giăng Báp-tít đến thế gian, một người không bao giờ lên mình kiêu ngạo. Xin tha thứ khi chúng con kiêu ngạo nghĩ rằng mình lớn lao hay quan trọng hơn người khác. Xin dạy chúng con hiểu rằng chúng con chỉ là những đầy tớ không xứng đáng, và chỉ một mình Ngài là lớn lao.

CÂU HỎI:

  1. Mục đích những câu hỏi của phái đoàn từ tòa án tối cao Giu-đa là gì?

www.Waters-of-Life.net

Page last modified on October 12, 2018, at 11:22 AM | powered by PmWiki (pmwiki-2.3.3)