Waters of Life

Biblical Studies in Multiple Languages

Search in "Vietnamese":
Home -- Vietnamese -- John - 063 (The Jews interrogate the healed man)
This page in: -- Albanian -- Arabic -- Armenian -- Bengali -- Burmese -- Cebuano -- Chinese -- Dioula? -- English -- Farsi? -- French -- Georgian -- Greek -- Hausa -- Hindi -- Igbo -- Indonesian -- Javanese -- Kiswahili -- Kyrgyz -- Malayalam -- Peul -- Portuguese -- Russian -- Serbian -- Somali -- Spanish -- Tamil -- Telugu -- Thai -- Turkish -- Twi -- Urdu -- Uyghur? -- Uzbek -- VIETNAMESE -- Yiddish -- Yoruba

Previous Lesson -- Next Lesson

GIĂNG - SỰ SÁNG SOI TRONG TỐI TĂM
Nghiên Cứu Tin Lành của Đấng Christ theo Giăng
PHẦN 2 - SỰ SÁNG SOI TRONG TỐI TĂM (GIĂNG 5:1 - 11:54)
C - HÀNH TRÌNH CUỐI CÙNG CỦA CHÚA GIÊ-XU ĐẾN GIÊ-RU-SA-LEM (GIĂNG 6:1-71)
2. Chữa lành người mù bẩm sinh (Giăng 9:1-41)

b) Người Giu-đa chất vấn người được chữa lành (Giăng 9:13-34)


GIĂNG 9:13-15
13 Chúng dẫn người trước đã mù đó đến cùng người Pha-ri-si. 14 Vả, ấy là ngày Sa-bát mà Đức Chúa Jêsus đã hòa bùn và mở mắt cho người đó. 15 Người Pha-ri-si lại hỏi người thế nào được sáng mắt lại. Người rằng: Người ấy rà bùn vào mắt tôi, tôi rửa rồi thấy được.

Đời sống của người Giu-đa là một ngục tù luật lệ; họ quan tâm đến việc vi phạm luật ngày Sa-bát hơn niềm vui được chữa lành. Xóm giềng và các thám tử đem người được chữa lành đến gặp người Pha-ri-si để định xem sự chữa lành đến từ Đức Chúa Trời hay bởi quyền phép Sa-tan.

Thế là họ bắt đầu thẩm vấn và thảo luận về Chúa Giê-xu. Người trai trẻ được chữa lành kể lại cách anh được chữa lành. Anh kể vắn tắt vì niềm vui được chữa lành của anh đã bị vấy bẩn bởi lòng ganh ghét của những kẻ thù nghịch Chúa Giê-xu.

GIĂNG 9:16-17
16 Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng kẻ khác rằng: Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra. 17 Bấy giờ chúng hỏi người mù nữa rằng: Còn ngươi, về người đã làm sáng mắt ngươi đó, thì ngươi nói làm sao? Người trả lời rằng: Ấy là một đấng tiên tri.

Sau khi nghe lời chứng, những kẻ duy luật bắt đầu tranh cãi. Một số cho rằng quyền năng của Chúa Giê-xu không đến từ Đức Chúa Trời vì Ngài đã vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời. Vì vậy họ cáo buộc Chúa Giê-xu bằng lý luận duy luật.

Một số khác nhìn thấy mối liên hệ giữa tội lỗi của người mù với sự tha thứ và chữa lành của anh. Họ cho rằng sự chữa lành đó phải có một ý nghĩa sâu xa hơn, vì nó liên hệ đến quyền tha tội của Đức Chúa Trời. Vì vậy Chúa Giê-xu không thể là một tội nhân vì Ngài đã tha tội và giải quyết nguồn cơn của nỗi khổ sở đó.

Hai bên không thể tìm được tiếng nói chung. Cả hai bên đều mù quáng, giống như nhiều người ngày nay vẫn thảo luận về Chúa Giê-xu cách nông cạn và vô nghĩa. Rồi họ chất vấn người được chữa lành để xem Chúa Giê-xu có nói gì nữa không, và anh cảm nhận thế nào về Chúa Giê-xu. Những lời tra hỏi như vậy rất hữu ích đối với những người có biết chút ít về Chúa Giê-xu; và với những người được tái sanh, vì họ biết thế nào là được giải thoát khỏi tội lỗi và cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Nếu không được tái sanh thuộc linh chúng ta không thể nhìn thấy Đức Chúa Trời.

Người được chữa lành bắt đầu suy nghĩ: “Giê-xu là ai vậy?” Anh so sánh Chúa Giê-xu với những người của Đức Chúa Trời trong lịch sử dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử có nhiều phép lạ đã xảy ra, nhưng chưa từng có ai chữa lành một người mù bẩm sinh. Ai biết suy nghĩ đều thấy qua những việc làm của Chúa Giê-xu rằng Ngài là Đấng Cứu Thế có một không hai. Cho nên anh gọi Chúa Giê-xu là một tiên tri, là người không chỉ biết trước tương lai mà còn quyết định hiện tại trong quyền năng của Đức Chúa Trời. Ngài tra xét tấm lòng và bày tỏ ý muốn của Đức Chúa Trời.

GIĂNG 9:18-23
18 Song le, người Giu-đa không tin rằng người ấy trước đã mù mà được sáng lại, cho đến khi gọi cha mẹ người đến. 19 Họ gạn hỏi rằng: Đây có quả thật là con trai các ngươi mà các ngươi nói rằng nó mù từ thuở sanh ra chăng? Thế thì, sao bây giờ nó sáng vậy? 20 Cha mẹ người trả lời rằng: Chúng tôi nhìn biết là con trai chúng tôi đó đã mù từ thuở sanh ra; 21 nhưng hiện nay tại làm sao thấy được, thì chúng tôi không rõ. Chúng tôi cũng không biết ai mở mắt nó nữa. Hãy hỏi nó, nó đã đủ tuổi, chính nó sẽ nói cho. 22 Cha mẹ người nói vậy, vì sợ dân Giu-đa; bởi dân Giu-đa đã định rằng hễ ai xưng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, thì phải bị đuổi ra khỏi nhà hội. 23 Ấy vì cớ đó nên cha mẹ người nói rằng: Nó đã đủ tuổi, hãy hỏi nó.

Người Giu-đa không chịu thừa nhận sự so sánh hợp lý giữa các phép lạ trong Cựu Ước với công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Họ không tin Ngài là một tiên tri hay là Đấng được Đức Chúa Trời sai đi, vì nếu đúng như thế thì vị trí của họ là sai trật và đáng trách.

Họ xoay qua ngụy biện rằng phép lạ đó chỉ là một sự lừa dối, và rằng chàng trai này chưa từng bị mù. Họ sẵn sàng bịa đặt một việc bất khả thi để hạ thấp phép lạ xảy ra bởi tay Chúa Giê-xu. Chữa lành cho một người mù bẩm sinh dường như bất khả thi đối với họ, vì đó là một hình phạt do tội lỗi di truyền.

Cha mẹ anh được đem đến giữa vòng những người đã nghe biết về hoàn cảnh của con trai họ, có cả lính canh. Hai người nói chuyện cách thận trọng vì sợ người Pha-ri-si, và chối bỏ những gì họ nghe về con mình trước đó. Họ bỏ rơi anh, để không bị dính vào rắc rối. Thế là chàng trai trẻ bị phó mặc, phải tự chịu trách nhiệm. Trục xuất khỏi nhà hội là một việc hệ trọng; nghĩa là bị cô lập khỏi xã hội như một người phung. Điều đó cũng có nghĩa bị tước hết các quyền và cơ hội kết hôn. Lòng thù ghét của người Giu-đa đối với Chúa Giê-xu đã tiến triển đến mức họ muốn tiêu diệt cả những người đi theo Ngài.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-xu, chúng con cảm tạ vì Ngài là thẩm quyền của Đức Chúa Trời thành nhục thể. Xin giữ gìn chúng con trong giờ thử thách để chúng con không bám lấy sự an toàn và dễ dàng cho mình hơn là bám lấy Ngài. Xin dẫn dắt chúng con tự bỏ mình đi, can đảm và trung thành, sẵn lòng chịu chết hơn là lìa bỏ hay khước từ Ngài.

CÂU HỎI:

  1. Vì sao người Giu-đa chối bỏ khả năng chữa lành người mù bẩm sinh?

www.Waters-of-Life.net

Page last modified on October 12, 2018, at 12:32 PM | powered by PmWiki (pmwiki-2.3.3)