Home
Links
Bible Versions
Contact
About us
Impressum
Site Map


WoL AUDIO
WoL CHILDREN


Bible Treasures
Doctrines of Bible
Key Bible Verses


Afrikaans
አማርኛ
عربي
Azərbaycanca
Bahasa Indones.
Basa Jawa
Basa Sunda
Baoulé
বাংলা
Български
Cebuano
Dagbani
Dan
Dioula
Deutsch
Ελληνικά
English
Ewe
Español
فارسی
Français
Gjuha shqipe
հայերեն
한국어
Hausa/هَوُسَا
עברית
हिन्दी
Igbo
ქართული
Kirundi
Kiswahili
Кыргызча
Lingála
മലയാളം
Mëranaw
မြန်မာဘာသာ
नेपाली
日本語
O‘zbek
Peul
Polski
Português
Русский
Srpski/Српски
Soomaaliga
தமிழ்
తెలుగు
ไทย
Tiếng Việt
Türkçe
Twi
Українська
اردو
Uyghur/ئۇيغۇرچه
Wolof
ייִדיש
Yorùbá
中文


ગુજરાતી
Latina
Magyar
Norsk

Home -- Vietnamese -- John - 001 (Introduction)
This page in: -- Albanian -- Arabic -- Armenian -- Bengali -- Burmese -- Cebuano -- Chinese -- Dioula -- English -- Farsi? -- French -- Georgian -- Greek -- Hausa -- Hindi -- Igbo -- Indonesian -- Javanese -- Kiswahili -- Kyrgyz -- Malayalam -- Peul -- Portuguese -- Russian -- Serbian -- Somali -- Spanish -- Tamil -- Telugu -- Thai -- Turkish -- Twi -- Urdu -- Uyghur -- Uzbek -- VIETNAMESE -- Yiddish -- Yoruba

Next Lesson

GIĂNG - SỰ SÁNG SOI TRONG TỐI TĂM
Nghiên Cứu Tin Lành của Đấng Christ theo Giăng

GIỚI THIỆU VỀ TIN LÀNH THEO GIĂNG


Đấng Christ kêu gọi các môn đồ làm chứng nhân cho Ngài. Ngài không tự ký thuật về cuộc đời mình, và cũng không gửi thơ tín nào cho các hội thánh. Nhưng nhân cách của Ngài đã để lại một dấu ấn sâu đậm trên tấm lòng của các môn đồ, là những người về sau đã được Đức Thánh Linh dẫn dắt để làm vinh hiển Chúa Giê-xu Christ. Họ thấy trong tình yêu, sự khiêm nhường, sự chết và sự sống lại của Ngài vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha, đầy ơn và lẽ thật. Trong khi Tin Lành theo Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca làm rõ những lời nói và hành động của Chúa Giê-xu, cũng như mô tả vương quốc của Đức Chúa Trời là mục đích Ngài đến, thì Giăng lại xoáy vào con người nội tại và tình yêu thánh của Chúa Giê-xu. Vì cớ đó, Tin Lành theo Giăng được gọi là Tin Lành chính, là mão miện cho mọi sách trong Kinh Thánh.

Ai là trước giả của sách Tin Lành này?

Các giáo phụ của hội thánh trong thế kỷ thứ hai nhất trí rằng Giăng, sứ đồ của Chúa Giê-xu, chính là trước giả của sách đặc biệt này. Sứ đồ Giăng đã nhắc đến tên nhiều sứ đồ, nhưng ông không hề nhắc đến tên của Gia-cơ anh mình hay tên của chính ông, vì ông thấy mình không xứng đáng được nhắc đến cùng với danh của Chúa và Cứu Chúa mình. Tuy nhiên, giám mục Irenaeus tại Lyon, Pháp, đã viết rõ rằng Giăng, sứ đồ tựa lên ngực Chúa trong Tiệc Thánh đầu tiên, chính là người đã viết ra Tin Lành này, đang khi ông hầu việc tại hội thánh Ê-phê-sô Tiểu Á dưới thời trị vì của Hoàng Đế Trajan (98-117 TCN).

Một số nhà phê bình cho rằng Giăng, người viết ra Tin Lành này, không phải là vị sứ đồ đã đi theo Chúa Giê-xu, mà là một trong các trưởng lão của hội thánh tại Ê-phê-sô, vốn là một môn đồ của sứ đồ Giăng, và rằng Tin Lành này được viết trễ hơn. Những nhà phê bình này là những kẻ mơ mộng và không hề nhận biết Thần lẽ thật, vốn chẳng hề nói dối, vì sứ đồ Giăng đã viết Tin Lành này bằng ngôi thứ nhất khi ông nói: “chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài.“ Như vậy trước giả của Tin Lành này phải là người đã tận mắt chứng kiến sự sống, sự chết, và sự sống lại của Chúa Giê-xu. Các bạn của Giăng là những người đã thêm vào cuối sách Tin Lành này, chép rằng: “Ấy chính là môn đồ đó làm chứng về những việc này và đã chép lấy; chúng ta biết lời chứng của người là thật“ (Giăng 21:24). Họ nhấn mạnh điểm đặc trưng của Giăng khiến ông đặc biệt hơn những sứ đồ khác, đó là Chúa Giê-xu yêu ông và để ông tựa lên ngực Ngài trong Tiệc Thánh đầu tiên. Ông cũng chính là người duy nhất dám hỏi Chúa Giê-xu về kẻ phản Ngài, rằng: “Lạy Chúa, ấy là ai [ai sẽ nộp Ngài]?“ (Giăng 13:25).

Giăng mới chỉ là một thanh niên khi Chúa Giê-xu kêu gọi ông đi theo Ngài. Ông là người trẻ nhất giữa vòng mười hai sứ đồ. Ông là một người đánh cá. Tên cha ông là Xê-bê-đê, và tên mẹ ông là Sa-lô-mê. Ông sống cùng gia đình tại Bết-sai-đa, bên bờ hồ Ti-bê-ri-át. Ông cùng Phi-e-rơ, Anh-rê, anh mình là Gia-cơ, đã đi với Phi-líp và Na-tha-na-ên xuống thung lũng Giô-đanh để gặp Giăng Báp-tít, là người đang kêu gọi sự ăn năn. Mọi người kéo đến, trong số đó có Giăng, con trai Xê-bê-đê, để xin sự tha thứ và phép báp-têm bởi tay Giăng Báp-tít tại sông Giô-đanh. Có lẽ ông là bà con trong gia đình thầy tế lễ cả An-ne, bởi vì ông quen biết họ và có quyền đi vào đền. Như vậy, ông rất gần gũi với một gia đình thầy tế lễ. Vì cớ đó ông đã nói đến trong Tin Lành của mình điều không có trong các Tin Lành khác, lời Giăng Báp-tít nói về Chúa Giê-xu, gọi Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Bởi đó, sứ đồ Giăng dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, đã trở nên người cảm nhận tình yêu của Chúa Giê-xu nhiều hơn hết.

Mối liên hệ giữa Tin Lành theo Giăng và ba Tin Lành còn lại

Khi Giăng viết Tin Lành của mình, Tin Lành theo Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca đã được viết và phổ biến giữa vòng hội thánh một thời gian rồi. Ba trước giả kia viết ra Tin Lành của mình dựa trên căn cứ là một tập ghi chú tiếng Hê-bơ-rơ, trong đó qua sự ghi chép của Ma-thi-ơ, các sứ đồ lưu giữ lại những lời nói của Chúa Giê-xu hầu cho khỏi lạc mất, đặc biệt trong thời điểm đã nhiều năm trôi qua mà Chúa chưa trở lại. Gần như chắc chắn các việc làm của Chúa Giê-xu và những sự kiện trong đời Ngài liên quan đến một tập ghi chú khác. Các trước giả hết sức cẩn thận chuyển giao những ghi chép này cách chính xác. Bác sĩ Lu-ca thì dựa trên một số nguồn thông tin khác vì ông có gặp gỡ bà Ma-ri mẹ Chúa và nhiều nhân chứng khác.

Dẫu vậy, chính bản thân Giăng lại là một nguồn thông tin quan trọng ngoài những nguồn vừa được nhắc đến ở trên. Nên ông không muốn lặp lại những tin tức và những lời đã được hội thánh biết đến, mà muốn thêm vào. Trong khi ba sách Tin Lành đầu tiên công bố những việc làm của Chúa Giê-xu trong vùng Ga-li-lê, hướng đến hành trình duy nhất lên Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-xu trong suốt chức vụ của Ngài, rồi chịu chết ở đó, thì sách Tin Lành thứ tư lại cho chúng ta thấy những điều Chúa Giê-xu đã làm tại Giê-ru-sa-lem trước, trong, và sau chức vụ của Ngài tại vùng Ga-li-lê. Giăng làm chứng cho chúng ta rằng Chúa Giê-xu đã hiện diện ba lần tại thủ đô, nơi các lãnh đạo quốc gia hết lần này đến lần khác khước từ Ngài. Và sau một lần chống đối lên đến đỉnh điểm, họ đã nộp Ngài để bị đóng đinh. Như vậy, tầm quan trọng của Tin Lành theo Giăng là ông đã mô tả chức vụ của Chúa Giê-xu giữa vòng người Do Thái tại Giê-ru-sa-lem, tâm điểm của văn hóa Cựu Ước.

Sách Tin Lành thứ tư không đề cao tầm quan trọng của những phép lạ Chúa Giê-xu đã thi hành, khi chỉ nhắc đến sáu trong số đó. Qua đây Giăng muốn làm rõ điều gì? Ông công bố lời của Chúa Giê-xu theo mẫu Đấng phán: “TA LÀ“ và bởi đó diễn giải được nhân cách của Chúa Giê-xu. Ba sách Tin Lành đầu tiên tập trung vào liệt kê các việc làm và cuộc đời của Chúa Giê-xu, còn Giăng thì tập trung nhiều hơn vào phác họa sự vinh hiển của con người Chúa Giê-xu tỏ bày trước mắt chúng ta. Nhưng từ đâu Giăng có những thông tin đó, vốn không hề có trong các sách khác, và những lời Chúa Giê-xu nói về chính mình Ngài? Chính Đức Thánh Linh đã nhắc ông nhớ lại sau Lễ Ngũ Tuần. Vì chính Giăng thừa nhận nhiều lúc các môn đồ không hiểu được lẽ thật trong những lời Chúa Giê-xu phán mãi cho đến sau khi Chúa sống lại và khi Đức Thánh Linh giáng hạ trên họ. Bởi đó, ông nhận lãnh được ý nghĩa những lời mà Chúa Giê-xu đã phán về chính Ngài trong đó có chứa cụm từ “TA LÀ“. Đó là những nét rất riêng của sách Tin Lành độc đáo này.

Giăng cũng nói đến những lời của Chúa Giê-xu khi Ngài so sánh những hình ảnh đối lập, như sự sáng và bóng tối, Thánh Linh và xác thịt, lẽ thật và đạo giả, sự sống và sự chết, cũng như những điều thuộc về trên trời và dưới đất. Chúng ta hiếm khi thấy những sự tương phản này trong các sách Tin Lành khác. Nhưng Đức Thánh Linh đã nhắc nhớ cho Giăng sau một số năm sống tại Hy Lạp, là vùng chịu ảnh hưởng từ những lời Chúa phán. Ông làm rõ rằng Chúa Giê-xu không chỉ giảng dạy theo lối Hê-bơ-rơ, mà còn sử dụng cách diễn đạt theo lối Hy Lạp vì cớ các dân khác.

Mục đích của Tin Lành theo Giăng là gì?

Giăng không muốn mô tả Chúa Giê-xu bằng triết học thuần túy hay những hình ảnh thuộc linh giàu sức tưởng tượng, mà ông tập trung hơn những người khác vào sự nhập thể, sự yếu mòn và cơn khát của Ngài đang khi bị treo trên thập tự giá. Ông cũng làm rõ Chúa Giê-xu chính là Cứu Chúa của cả nhân loại chứ không chỉ riêng của người Do Thái, bởi vì Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi. Ông đã công bố thể nào Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại.

Những điều chúng ta vừa đề cập chính là phương pháp, và là những luận cứ để chạm đến trọng tâm của sách Tin Lành này, tức Chúa Giê-xu Christ là Con của Đức Chúa Trời. Sự hằng hữu của Ngài hiện diện trong đời sống hữu hạn trên đất, thần tánh hiện diện trong nhân tánh, và uy quyền hiện diện giữa sự yếu đuối. Như vậy, qua Chúa Giê-xu, Đức Chúa Trời đã hiện diện giữa loài người.

Mục đích những giải thích chi tiết của Giăng không phải để biết Chúa Giê-xu theo phương cách triết học hay huyền bí, nhưng để biết Chúa qua Đức Thánh Linh trên nền một đức tin chân thành. Vì vậy ông đã kết thúc Tin Lành của mình bằng những lời nổi tiếng:“Nhưng các việc này đã chép để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-xu là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống“ (Giăng 20:31). Đức tin sống nơi thần tánh của Chúa Giê-xu là mục đích của Tin Lành theo Giăng. Đức tin này sản sinh ra trong chúng ta sự sống thiên thượng, thánh khiết và đời đời.

Tin Lành theo Giăng được viết cho ai?

Sách Tin Lành này, với đầy dẫy những lời công bố chân thật về Đấng Christ, không được viết để rao truyền cho những người chưa tin, nhưng được viết để xây dựng hội thánh và khiến hội nên thành nhân trong Đức Thánh Linh. Phao-lô đã thành lập nhiều hội thánh tại vùng Tiểu Á, và khi ông bị bỏ tù tại Rô-ma, Phi-e-rơ đã đến với các hội thánh bị bỏ rơi để khích lệ họ. Khi Phi-e-rơ và Phao-lô qua đời, có lẽ dưới cơn bắt bớ của hoàng đế Nê-rô tại Rô-ma, Giăng đã đứng vào vị trí của họ và đến sống tại Ê-phê-sô, trung tâm của Cơ Đốc Giáo thời bấy giờ. Ông chăn bầy các hội thánh rải rác xuyên suốt vùng Tiểu Á. Ai đọc các thơ tín của ông, cũng như đoạn hai và ba của sách Khải Huyền sẽ hiểu được những băn khoăn và những mục tiêu của vị sứ đồ này, là người đã diễn giải cho chúng ta tình yêu của Đức Chúa Trời nhập thể trong Đức Chúa Giê-xu Christ. Ông đã tranh chiến với những tín hữu thiên về triết lý đã làm tan lạc bầy như sói dữ, làm cho chiên bị bại hoại bằng những tư tưởng trống rỗng, những thói quen cứng nhắc, và sự tự do không tinh sạch, vì cớ họ đã pha trộn lẽ thật với những suy nghĩ hư không.

Các môn đồ của Giăng Báp-tít cũng sống tại Tiểu Á, họ tôn cao người đã đưa họ đến sự ăn năn hơn cả Cứu Chúa Giê-xu. Họ vẫn đang trông đợi Đấng Mê-si đã hứa, cho rằng Ngài vẫn chưa đến. Bằng cách mô tả con người Chúa Giê-xu, Giăng đã phủ nhận tất cả những luồng ý kiến nghịch lại Đấng Christ. Ông lên tiếng bác bỏ những linh chống đối rằng: “Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha, đầy ơn và lẽ thật.“

Có vẻ như hầu hết những người nhận lấy Tin Lành này là những tín hữu Dân Ngoại, vì Giăng phô bày ra cho họ nhiều chi tiết về đời sống Do Thái vốn không cần phải giải thích thêm cho người Do Thái. Hơn nữa, Giăng không dựa Tin Lành của ông vào những lời của Chúa Giê-xu vốn được chép vào thời đó bằng ngôn ngữ Aramaic, rồi được dịch qua tiếng Hy Lạp như trước giả các sách Tin Lành còn lại. Thay vào đó, ông sử dụng lối diễn đạt của Hy Lạp đang phổ biến trong hội thánh, gội nhuần bằng tinh thần của Tin Lành, và làm chứng cho những lời của Chúa Giê-xu cách hoàn toàn tự do bằng ngôn ngữ thuần Hy Lạp dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Như vậy, Tin Lành của Giăng trình bày cách giản dị mà sâu sắc, có sức thuyết phục hơn mọi ý đồ nghệ thuật diễn đạt khác. Vậy thì, qua sách Tin Lành này Đức Thánh Linh đã chỉ cho chúng ta cách tỏ tường cả kho báu lẽ thật, để mọi người trẻ đều có thể hiểu được những ý nghĩa trường tồn chứa đựng trong đó.

Sách Tin Lành độc đáo này được viết khi nào?

Cảm tạ Chúa Giê-xu vì vài năm trước đây Ngài đã hướng dẫn các nhà khảo cổ Đông phương học tại Ai Cập tìm ra một mảnh giấy cói có niên đại khoảng 100 năm sau Công nguyên, trên đó có nhiều câu trong Tin Lành theo Giăng được chép cách rõ ràng. Với khám phá này, cuộc tranh luận kéo dài đã đi đến hồi kết và những chỉ trích cay độc đã bị dập tắt, vì Tin Lành theo Giăng được chứng minh là đã phổ biến vào năm 100 sau Công nguyên, không chỉ tại Tiểu Á, mà còn tại Bắc Phi nữa. Không nghi ngờ gì khi sách này cũng đã được phổ biến tại Rô-ma. Sự thật này làm vững mạnh đức tin của chúng ta rằng sứ đồ Giăng chắc chắn là người đã viết sách Tin Lành này, đang khi ông được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Nội dung của sách Tin Lành này là gì?

Thật không dễ để hệ thống hóa Kinh Thánh vốn được hà hơi từ thiên thượng. Và đặc biệt rất khó để phân chia Tin Lành theo Giăng thành những phần rõ rệt. Dầu vậy, chúng tôi xin gợi ý dàn bài sau:

  1. Sự tỏa soi ánh sáng thiên thượng (1:1 - 4:54)
  2. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng (5:1 - 11:54).
  3. Sự sáng soi giữa vòng các sứ đồ (11:55 - 17:26)
  4. Sự sáng đắc thắng tối tăm (18:1 - 21:25)

Sứ đồ Giăng sắp xếp những ý tưởng của ông thành những mắc xích liên kết với nhau, giống như một dây xích thuộc linh, trong đó mỗi mắc xích xoay quanh một hoặc hai ý tưởng hoặc từ ngữ chính. Những mắc xích không hoàn toàn tách biệt nhau, mà ý nghĩa của chúng đôi khi giao cắt nhau.

Suy nghĩ theo lối Hê-bơ-rơ của Giăng, cùng với khải tượng thuộc linh sâu sắc của nó, hòa hợp với sự sống động của ngôn ngữ Hy Lạp thành một khối độc đáo, tuyệt đẹp. Đức Thánh Linh vẫn tiếp tục giải bày cho chúng ta từng câu chữ của Tin Lành này cho đến ngày nay. Nó trở nên nguồn tri thức và khôn ngoan vô tận cho chúng ta. Hễ ai nghiên cứu sách này cách tỉ mẫn sẽ cúi xuống trước Con Đức Chúa Trời và tận hiến cuộc đời mình cho Ngài với lòng biết ơn, ngợi khen, và sự giải cứu đời đời.

CÂU HỎI:

  1. Ai là trước giả của sách Tin Lành thứ tư?
  2. Mối liên hệ giữa sách Tin Lành thứ tư với ba sách Tin Lành trước đó là gì?
  3. Mục đích của Tin Lành theo Giăng là gì?
  4. Sách Tin Lành độc đáo này được viết cho ai?
  5. Việc phân chia, sắp xếp các chủ đề của sách có điểm nào cần lưu ý?

www.Waters-of-Life.net

Page last modified on October 12, 2018, at 11:13 AM | powered by PmWiki (pmwiki-2.3.3)